[Tháng 11] Mối lương duyên

Vào thế kỷ 16, 17 ở vùng Nam Hà, các cảng quốc tế giao thương tấp nập. Các ngõ Hoa, phố Nhật dần dần hình thành và lớn mạnh dựa trên hoạt động mua bán mạnh mẽ với người Việt. Cuộc sống người dân Đàng Trong cũng nhờ đó mà sung túc, đủ đầy.

Trong số các thương cảng quốc tế, Hội An là nơi tấp nập và phồn thịnh hơn cả. Trong các mối giao thương lúc bấy giờ, Chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên đặc biệt coi trọng mối giao hảo làm ăn với các thương buôn Nhật Bản. Đức ngài đích thân đứng ra xúc tiến các hoạt động mua bán và đưa ra nhiều quyết sách để thắt chặt quan hệ với giới đại thương đến từ đất nước xa xôi này.

châu ấn thuyền

Ánh trăng treo cao bên ngoài cửa sổ nhỏ, tỏa tia sáng vàng nhạt vào bên trong căn phòng. Trên giường, một cô gái xinh đẹp ngồi nghiêm chỉnh, tóc đen dài được buộc gọn lại phía sau. Ngọn đèn phản chiếu ánh nhìn mông lung…

Cốc cốc.

“Hoa à, đã ngủ chưa con?”

Động tĩnh nhỏ trong đêm tối cứ như được phóng đại vô hạn. Đôi mắt hai mí xinh xắn dần lấy lại tiêu cự, cô gái nhẹ nhàng cử động cơ thể, ngồi lâu quá khiến tay chân nàng tê mỏi hết cả.

“Dạ con đây. Mẹ cứ vào đi nhé.”

Tiếng đẩy cửa kẽo kẹt vang lên trong đêm nghe vô cùng rõ ràng, một người phụ nữ phúc hậu bước vào phòng. Ánh nhìn treo theo bước chân người đi vào, mắt cô gái lóe lên tia sáng nhỏ, nhưng rồi lại như chợt nghĩ đến điều gì đó mà xấu hổ quay đầu đi. Người phụ nữ trông thấy phản ứng của nàng thì cười khẽ.

“Biết ngại ngùng rồi đấy à. Sao nào, đức lang quân tương lai của con gái chúng ta có khôi ngô không?”

“Mẹ à!!”

Mặt Ngọc Hoa ửng đỏ, bờ môi nhỏ hơi run, nàng cảm thấy vô cùng thẹn thùng. Người phụ nữ ngồi xuống bên cạnh Ngọc Hoa, khẽ vuốt mái tóc nàng rồi bật cười đầy trìu mến.

“Ừ, không chọc con gái nữa. Nhìn con như vậy thì mẹ đoán rằng người thương nhân kia cũng không quá kém.”

Đoạn, bà nắm lấy tay nàng, ấp bàn tay nhỏ ấy trong lòng bàn tay mình.

“Anh ta tuổi còn trẻ đã được Đức ngài trọng dụng, ban cho họ Chúa. Nghe đâu gia tộc ở bản quốc cũng là tầng lớp võ sĩ đạo cao quý. Đức ngài gả con cho anh ta âu cũng là vì nghiệp lớn của An Nam ta. Lúc đầu nghe tin mẹ chỉ sợ con buồn lo vô cớ, giờ thấy con cũng xem như vừa ý mối hôn sự này, mẹ cũng an lòng.”

Ngọc Hoa nghe mẹ nói cũng đã rõ ràng mười mươi. Nàng vốn là họ hàng bên ngoại của Chúa, được Đức ngài yêu quý nhận làm con nuôi, từ một cô gái bình thường nay được nâng lên thành công nữ, nàng biết, đây vốn là vinh hạnh mà không phải ai cũng có được.

Nghĩ đến đây, Ngọc Hoa tựa đầu vào vai mẹ, khẽ nói.

“Con sinh ra là người An Nam, tất nhiên cũng đã nghe nói đến cuộc chiến Trong – Ngoài từ lâu. Những năm qua các thương nhân ngoại quốc đổ về các cảng lớn ngày càng nhiều, duy chỉ có vật liệu và vũ khí của đại thương Nhật Bản mang đến là chất lượng hơn cả, đây chính là những thứ mà Đức cha đang cần để đối chiến với thế lực của Trịnh ở Đàng Ngoài. Nếu mối hôn sự lần này có thể giúp Đức cha việc lớn, lại còn xây dựng được quan hệ ban giao khắng khít với Nhật Bản, con cũng nguyện lòng.”

Thấy con gái mình hiểu chuyện đến vậy, lòng người phụ nữ chua ngọt đan xen. Mẹ nào mà không thương con cái. Lần này gả con cho người ngoại quốc, xa quê hương, bà muốn lo cũng không đủ tâm sức mà lo nữa. Chỉ mong con lấy được người chồng tốt, cuộc sống sau này vô lo vô nghĩ. Nén đôi dòng lệ chực trào, người phụ nữ nuốt lại nỗi lo lắng, vỗ nhẹ vào bàn tay nhỏ của Ngọc Hoa.

“Mẹ tin Đức ngài đã chọn được một chàng rể quý. Con cứ an tâm.”

Trong đêm vắng, ánh trăng sáng vẫn nhẹ nhàng treo ngoài khung cửa sổ, đâu đó có ngọn gió khẽ luồn vào, cuốn theo hương hoa mai nhè nhẹ, làm lay động mái tóc đen của Ngọc Hoa.

“Dạ, con biết rồi mẹ.”

cảng hội an

Thương cảng Hội An tấp nập tàu lớn thuyền nhỏ, người đến kẻ đi như mắc cửi. Nhìn quanh sẽ thấy người ngoại quốc ở đây cũng đông không kém dân bản xứ. Ở một bến đỗ lớn nơi khúc sông nhộn nhịp nhất có một người đàn ông khôi ngô, nước da nâu khỏe khoắn đang đứng quan sát đám người dỡ hàng từ trên tàu buôn xuống, xung quanh thỉnh thoảng lại vang lên những câu tiếng ngoại quốc nghe không hiểu nghĩa.

“Thái Lang khanh đang nghĩ chuyện chi?”

Một giọng nói vang lên cắt ngang mạch suy tư của người đàn ông. Nhận ra chủ nhân của giọng nói là nhân vật nào, người đàn ông xoay người lại, cúi chào thật sâu.

“Đức ngài ngự giá, sao không lệnh cho thần biết để ra nghênh?”

Chúa bật cười phất tay, đoạn nói.

“Vốn cũng không định sang đây, chỉ là đột nhiên muốn nhìn thử mấy chiếc tàu chiến đã được đóng đến độ nào rồi mà thôi.”

Người đàn ông gọi là Thái Lang nhanh tay ra hiệu, lập tức có người mang đến một chiếc ghế tựa bằng gỗ có lót đệm tơ lụa mềm mại, để ngay ngắn dưới tán cây rộng, rồi cúi đầu rời khỏi. Thái Lang đến gần ghế, phủi đi chiếc lá vừa rơi xuống rồi cúi đầu thưa.

“Mời Đức ngài ngự tọa. Ở đây dân dã, thần không thể chuẩn bị chu đáo hơn.”

Thái độ đúng mực kính trọng, không nịnh nọt. Chúa nghe thế gật gù, cũng không trách tội. Ngài nhìn bao quát bến tàu, chợt thấy nhiều rương to được xếp ngay ngắn ở mép kho, phủ từng tấm lụa đỏ rực bắt mắt, Chúa không nói gì dời mắt đi.

Gió từ bờ sông thổi thốc vào làm đám lá cây rơi rụng dưới đất kêu sàn sạt. Không ai lên tiếng, xung quanh chỉ còn lại tiếng hô vang của những nhân công dỡ hàng và tiếng rao của những người bán hàng rong quanh bến. Chúa ngồi trên ghế, mắt nhắm lại, ngón tay thỉnh thoảng nhịp nhẹ lên tay vịn.

“Bẩm Đức ngài, thần có chuyện muốn tâu.”

Thái Lang bình tĩnh chắp tay, cúi đầu thưa. Một hồi lâu sau vẫn không nghe thấy tiếng hồi đáp của Chúa, người đàn ông có hơi khó hiểu, nhưng vẫn kính cẩn cúi đầu chờ đợi.

“Trẫm còn tưởng Thái Lang khanh nhịn được. Xem ra là đánh giá thấp cảm tình của khanh dành cho ái nữ của trẫm rồi.”

Nói xong Chúa mở mắt ra, trên miệng treo một nụ cười vui vẻ, ánh mắt lại sâu xa xoáy vào người đàn ông đang cúi đầu kia.

Thái Lang cụp mắt, hắn rõ ràng hơn ai hết chuyện gặp gỡ người con gái kia sẽ không giấu được Chúa, hắn chỉ muốn tỏ rõ thành ý của mình với quốc vương An Nam mà thôi.

“Thần và công nữ chỉ tình cờ chạm mặt, vốn không có ý xúc phạm đến nàng.”

Chúa chỉ cười không nói. Ngẫm mà xem, nếu Thái Lang có ý mạo phạm đến Ngọc Hoa, ngài sao để hắn yên ổn. Nhưng thương nhân người Nhật này đúng là rất hợp ý Chúa, tháo vát tài giỏi, cũng là một tay buôn cừ khôi. Thu người như vậy về dưới gối cũng không thiệt thòi.

“Thôi, bãi giá đi.”

Chúa đứng dậy rời đi, những người hầu thân cận nhanh chóng nối đuôi nhau thành hàng. Đến tận khi đoàn người mất dáng, một thuộc hạ của hắn mới đến gần, nhỏ giọng nói.

“Thưa ngài, rương đựng vũ khí đợt này đã được dỡ xuống hết.”

Thái Lang yên lặng nhìn vào dòng người qua lại tấp nập ở bến, hình ảnh một thiếu nữ duyên dáng có mái tóc đen chảy dài như thác cứ lượn lờ trong đầu hắn, không sao ngừng được.

“Đem phủ lụa đỏ rồi xếp vào cùng với mấy rương tơ lụa đi.”

Chuẩn bị những thứ Chúa cần âu cũng chính là quà cưới tốt nhất mà hắn dành cho nàng vậy.

tranh vẽ chúa sãi

Năm 1619, Chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên ban hôn cho Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân người Nhật Bản – Araki Sotaro, tên Việt là Nguyễn Thái Lang. Một năm sau đó, Ngọc Hoa theo chồng quay về Nhật Bản. Với bản tính thông tuệ và khéo léo, Công nữ Ngọc Hoa đã cùng Thái Lang gây dựng nên một cơ ngơi hùng mạnh tại Nagasaki.

viết thư pháp

Ánh chiều tà nhuộm cả vùng thành tấm lụa đào rực rỡ, trong phòng làm việc, Ngọc Hoa vừa gác bút, mực trên giấy vẫn còn chưa khô. Nhìn vào những chữ tiếng Nhật hơi chút xiêu vẹo nhưng vẫn rất mềm mại và rõ ràng khiến nàng hài lòng. Chợt có tiếng gõ cửa làm nàng chú ý, sau đó tiếng cửa kéo vang lên, một người đàn ông bước vào.

“Anio-san, em ở đây à?”

Người đàn ông tủm tỉm cười, tay cầm một nhành mai nhỏ đang độ nở đưa sang cho Ngọc Hoa.

“Sao đến anh cũng kêu là Anio luôn rồi?”

Nàng nhanh nhẹn đưa tay ra đón lấy nhành mai, đoạn đưa lên mũi khẽ ngửi một chút. Vương một chút mùi biển mặn, còn lại chính là mùi hương mà nàng luôn mong nhớ – mùi của vùng đất An Nam. Thái Lang vén vài sợi tóc rơi xuống bên má nàng, Ngọc Hoa cũng khẽ áp mặt mình vào bàn tay lớn thô ráp của chồng.

“Mọi người đều gọi em là Anio kia mà?”

Người đàn ông ngạc nhiên nói, thấy thế Ngọc Hoa bật cười, mi mắt run run cọ vào ngón tay của Thái Lang.

“Đó là do mọi người nghe em gọi anh là ‘anh ơi’ đấy. ‘Anh ơi, anh ơi’, ‘Anio-san’ phải dùng để gọi anh mới phải lẽ!”

Nàng tinh nghịch tranh luận cùng chồng, cũng không sợ người đàn ông này phật ý. Thái Lang luôn có đủ tinh tế và dành cho nàng sự bao dung hết mực. Biết nàng nhớ nhà, hắn còn dặn đoàn thuyền buôn đến An Nam giao thương phải đem về bằng được mấy chậu mai vàng để dỗ nàng vui vẻ. Không những vậy, Châu Ấn thuyền cập bến Đàng Trong để trao đổi mua bán cũng ngày càng nhiều, trong đó không thiếu những thương nhân đến từ vùng đất Nagasaki mà họ đang sinh sống. Thái Lang luôn nói đó là vì Đức cha hiếu khách, luôn tạo điều kiện cho thương nhân ngoại quốc đến Đàng Trong mua bán, nhưng Ngọc Hoa hiểu, một phần lý do có lẽ là vì hắn cũng muốn giúp nàng tận lực với quốc gia.

Nhìn nhánh mai xinh đẹp, lòng nàng cũng dần ngọt ngào.

“Anh ơi!”

“Ừ, anh đây.”

“Hoa đẹp lắm, em cảm ơn anh nhé!”

 

Tác giả: Nguyễn Phương

 

————————————————————————————

Lưu ý: Đây là một câu chuyện tình yêu được sáng tác dựa trên sự kiện liên hôn giữa Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro thời Châu Ấn Thuyền đến thương cảng quốc tế Hội An để giao thương. Những tình tiết trong truyện đều là sự sáng tạo của người viết, không phải sự thật lịch sử.

Vì không rõ xưng hô giữa vương – thần thời các chúa Nguyễn ra sao nên xưng hô trong truyện trên tham khảo theo cách xưng hô của quân – thần triều đình nhà Nguyễn.

Ảnh minh họa trong bài: Tham khảo trên Google.

Xem thêm chủ đề các tháng khác