[Tháng 1] Nghệ thuật kết nối tâm hồn

Trong những giai đoạn hoàng hôn của cuộc đời, tâm hồn con người thường rơi vào trạng thái lăn nhẹ trên các sườn dốc của những u buồn và chông chênh, quay tròn trong các không gian trống vắng vô định không có hồi kết, đó là cảm giác hụt hẩng, chơi vơi không một ai có thể lý giải được. Người quân vương oai phong lẫm liệt, kẻ tướng lĩnh máu lạnh cầm quân trên thao trường, vị học giả khôn ngoan, thông thái,…tất cả đều không thoát khỏi cảm giác yếu lòng khi trái tim bất tuân theo cái đầu lạnh. Đó là lúc nghệ thuật âm nhạc cần được thực hiện vai trò của mình, lấp đi sự trống rỗng khó lường để kết nối những tâm hồn, giúp con người hướng đến chân thiện mỹ. 

Nghệ thuật âm nhạc được thưởng thức không chỉ bằng việc lắng nghe các thanh âm, mà còn cần kết hợp với hình ảnh truyền tải từ thị giác để thật sự tạo ra những rung cảm. Từ xa xưa, người ta đã biết sử dụng các hình thức biểu diễn nghệ thuật âm nhạc ở các buổi lễ long trọng hay những sinh hoạt đơn giản thường ngày, trong hoàng cung tráng lệ hay dưới các mái đình làng, giữa các bậc vương giả, quý tộc hay thường dân thấp hèn. Nghệ thuật âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tác động đến những không gian vô hình sâu thẳm khó có thể nhìn bằng mắt thường hay chạm tay vào được.

âm nhạc là món ăn tinh thần

Nghệ thuật âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với bất cứ ai

Âm nhạc biểu diễn bởi các Geisha Nhật Bản

Ở Nhật Bản, Geisha là nhóm người làm nghệ thuật có nguồn gốc từ những võ sĩ, đặc biệt là Samurai. Các Samurai được xem là tầng lớp cao quý, chiến đấu mạnh mẽ kiên cường vì dòng tộc, nên cũng có yêu cầu rất cao đối với hoạt động thư giãn, giải trí. Chính vì thế, Geisha chính là hình thức nghệ thuật âm nhạc cao cấp được phục vụ cho các võ sĩ đạo Nhật Bản, họ thường xuất hiện với khuôn mặt trang điểm khá trắng, đôi môi tô son đỏ tươi và kiểu tóc được sáng tạo đặc thù tạo thành nét đặc trưng riêng biệt. Ngày nay Geisha trở nên phổ biến hơn với tất cả mọi người, nhưng vẫn là một trong những hình thức thư giãn đắt đỏ bậc nhất ở xứ sở mặt trời mọc. 

Để trở thành Geisha, một cô gái phải trải qua quá trình khổ luyện vất vả, học tập tại các trung tâm từ quy mô nhỏ đến lớn, từ lời ăn tiếng nói cử chỉ cho đến tài năng biểu diễn các loại nhạc cụ đi với các bài hát khác nhau, từ cấp độ học việc gọi là Maiko cho đến khi trở thành một người nghệ sĩ biểu diễn thực thụ.  Các nghệ sĩ thường được khách hàng mời biểu diễn tại các buổi tiệc cao cấp có sự tham gia của các nhân vật thuộc tầng lớp giàu có, chức quyền nên các Geisha cũng có nhiều mối quan hệ với giai cấp thượng lưu trong xã hội. 

Geisha được học tập cách ăn nói và các lễ nghi rất nghiêm khắc nên luôn biết cách cư xử chừng mực và đoan trang trong các buổi tiệc rượu và tiệc trà. Họ thường chơi các nhạc cụ khác nhau, biểu diễn những ca khúc trầm buồn và dùng đôi mắt để giao tiếp nhiều hơn là lời lẽ. Geisha ở giai đoạn học việc thường được gọi là Maiko, họ mang những đôi guốc cao ngất, búi tóc cao, thường biểu diễn ở các tiệc trà, được gắn với các hình ảnh thiền định và trà đạo trong những không gian thanh tĩnh và có tính chất chiêm nghiệm cuộc sống.

geisha

Cũng là một hoạt động nghệ thuật nhưng những người nghệ sĩ như Geisha có thiên hướng sử dụng âm nhạc để kết nối nội tâm sâu thẳm của con người với nhau và với chính mình ở quá khứ, hiện tại và tương lai.

Quan họ biểu diễn bởi các liền anh liền chị Việt Nam 

Quan họ là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO công nhận, là món ăn tinh thần, đặc sản văn hóa của xứ Kinh Bắc, và là hình thức biểu diễn dân ca tiêu biểu của vùng đất châu thổ sông Hồng. Ở mỗi địa phương, màu sắc hát quan họ cũng có sự khác biệt đôi chút dù vẫn giữ được những nét đẹp cốt lõi. Bắc Ninh được xem là cái nôi của quan họ và được cả thế giới biết đến. 

Dân ca quan họ Bắc Ninh là hình thức hát giao duyên giữa các liền anh liền chị. Các nghệ sĩ nam sẽ mặc trang phục truyền thống là áo lụa, áo the, quần sớ, khăn xếp, che ô khi đứng ngoài trời. Các nghệ sĩ nữ mặc áo tứ thân, hoặc trang phục thường được gọi là “mớ ba, mớ bảy”, yếm đào xẻ nhạn, thắt lưng hoa đào hoa lý và đầu đội nón quai thao. Những câu hát quan họ được biểu diễn ở khắp mọi nơi trong khắp cùng làng cuối xóm nơi người dân tụ họp, cất lên dưới các mái đình, trên con thuyền lướt sóng nhẹ nhàng hoặc ngay dưới gốc cây, bãi đất trống đầu làng. Sân khấu đẹp nhất của quan họ chính là cuộc đời và những khán giả trung thành của loại hình nghệ thuật này chính là cả một công đồng to lớn thuộc các giai cấp và thế hệ khác nhau. 

Chính vì vậy, quan họ được chia ra thành nhiều thể loại như hát quan họ ở hội hè gọi là hát Hội, hát quan họ ở đám tiệc còn gọi là hát Mừng, hát quan họ trong các nghi thức ở cửa đình, cửa đền còn gọi là hát Thờ hát Cầu, hát quan họ giữa hai nhóm trai và gái cùng mời nhau đối đáp qua lại được gọi là hát Canh. 

Cách hát trong quan họ ít phức tạp về quy tắc mà chủ yếu hòa quyện với không khí sự kiện biểu diễn và mục đích của người hát. Đa phần quan họ diễn ra dưới hình thức hát đôi, một đôi hát sẽ được đối lại bằng một đôi hát khác. Người nghệ sĩ hát quan họ được gọi là liền anh liền chị, và thường hát những bài hát có nhịp điệu, tiết tấu phù hợp hình thành từ lễ kết nghĩa, bắt đầu từ những lời chào hỏi, rồi sau đó mới đến thổ lộ tâm tình. 

Cứ thế, những làn điệu quan họ gắn bó với người dân Việt ở đồng bằng Bắc Bộ qua nhiều thế hệ, ở sân nhà, trước cửa đình, cửa chùa, trên bến thuyền,…và len lỏi sâu vào đời sống của họ một cách tự nhiên và chân thật nhất. Quan họ tác động đến cuộc đời và cuộc đời cũng tác động ngược lại đến quan họ. Người nghệ sĩ biểu diễn quan họ theo kinh nghiệm đáp ứng nhu cầu âm nhạc của đám đông cũng đòi hỏi bản thân phải biết hát “vang, rền, nền, nẩy”, tạo ra bản sắc đặc thù của dòng nghệ thuật này.

nghệ sĩ hát quan họ

Cũng là kết nối những tâm hồn con người với nhau, nhưng khác với các dòng âm nhạc của các Geisha Nhật Bản, quan họ Việt Nam được biểu diễn bởi các liền anh liền chị dân dã và giản dị hơn, chủ yếu kéo các mối quan hệ xã hội trong các nhóm người lại gần nhau theo thiên hướng tác động từ bên ngoài trong không gian nhộn nhịp, vui tươi và mang tính chất cộng đồng hơn.

Xem thêm chủ đề các tháng khác