Bài Học Giáo Dục Cho Việt Nam Từ Chương Trình Thực Tập Kỹ Năng Tại Nhật Bản – Kỳ 3

Kỳ 3: Những Cú Sốc Văn Hóa Đi Cùng Mồ Hôi Và Nước Mắt

Từ 1995 đến nay, Việt Nam mở cửa hội nhập quốc tế, tham gia hiệp định thương mại, khối ASEAN hình thành. Vị thế chính trị và vai trò của Việt Nam đối với kinh tế thế giới đã được cải thiện ít nhiều. Điều này thúc đẩy người lao động trong nước tham gia vào các thị trường nhân lực quốc tế, có cơ hội tiếp thu và học hỏi công nghệ, nâng cao tay nghề từ những nước phát triển.

Tuy nhiên, sự thiếu chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng và suy nghĩ đơn giản của lao động trẻ, cho rằng bản thân có thể tìm kiếm được một thiên đường mới ở những nước phát triển, nơi có thể đem lại cuộc sống vật chất sung sướng một cách dễ dàng, khiến các bạn trẻ rơi vào hụt hẫng và lần đầu tiên phải đối diện với rất nhiều vấn đề trục trặc nơi xứ người.

Ông H.E, một chuyên gia người Nhật Bản, đã thẳng thắn chia sẻ rằng “Lao động Việt Nam khá thông minh và chịu khó học hỏi. Tuy nhiên, nền tảng về kỹ năng sống, kỹ năng tay nghề của các bạn còn yếu, một số không thể giao tiếp ngoại ngữ. Điều đó đã cản trở việc các bạn học tập và tiếp thu khi sang Nhật Bản làm việc”.

Rào cản thích ứng trong câu chuyện mưu sinh nơi xứ người đôi khi đến từ những điều đơn giản hơn sự tưởng tượng lúc chuẩn bị ở Việt Nam. Văn hóa, kỹ năng, tư duy là những chướng ngại ban đầu chứ không hẳn là vấn đề kiến thức hay kỹ thuật công nghệ mà người Việt vẫn lầm tưởng.

Cú sốc văn hóa đến đầu tiên

Nhật Bản là đất nước đề cao phong tục, lễ nghi, văn hóa truyền thống. Ngay cả trong cuộc sống thường ngày, họ cũng rất chú trọng về lễ tiết từ lời ăn tiếng nói đến cách làm quen, giao tiếp thông thường. Đơn giản như văn hóa chào hỏi của Nhật Bản cũng khá phức tạp, mức độ cúi đầu được quyết định bởi tình trạng thân thiết với người đối diện. Chẳng hạn như kiểu chào cao thể hiện sự tôn trọng cao nhất (Saikeirei), sẽ phải cúi rất thấp từ 45 đến 60 độ và giữ nguyên trong khoảng 3 giây, thậm chí lâu hơn.

Một số các nguyên tắc sống như chú trọng thời gian gặp mặt, ấn chuông hay gõ cửa trước khi vào nhà, thay dép khi bước vào các không gian khác nhau, quà lễ khi gặp mặt hoặc thăm viếng đều được giữ gìn toàn vẹn dù xã hội có phát triển hiện đại hơn trước. Ngay cả hoạt động dùng cơm cùng nhau trong gia đình, việc ngồi vị trí nào và nói như thế nào trong các cuộc họp tại phòng làm việc đều có những chuẩn mực và quy định riêng không được vi phạm. Điều này vô tình sẽ trở thành một không gian văn hóa vô hình bao trùm lấy những người nhập cư vào xã hội Nhật Bản, khiến họ cảm thấy ngột ngạt và bức bối.

Đối với những người trẻ Việt Nam có cá tính mạnh, sự khác biệt văn hóa này đôi khi không chỉ dừng lại ở cảm giác khó chịu hay những thách thức nhất thời nữa mà có thể trở thành cú sốc khiến họ thay đổi tính cách hoặc nổi loạn. Ông U.T, một người Nhật Bản sống tại Osaka đã nói rằng: “Giữa các bạn trẻ Việt Nam và Trung Quốc đều có nét tương đồng với nhau về sức trẻ, ở Việt Nam các bạn nổi trội hơn về sự nhiệt huyết, vui vẻ và ham học hỏi. Tuy nhiên, khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật của người Việt Nam vẫn là rào cản lớn. Tương tự, một số đối tượng có những nét văn hóa và suy nghĩ tiêu cực dẫn đến các tệ nạn như cờ bạc, trộm cắp, đánh nhau, … làm ảnh hưởng đến cái nhìn chung về lao động Việt Nam”.

Nhưng ở một góc nhìn khác, những người trẻ Việt Nam có sự chuẩn bị tốt và có khả năng học tập để thích ứng với môi trường mới sẽ có cơ hội được dân Nhật Bản xem như người nhà và nhiệt tình trao đổi kiến thức cũng như cơ hội để phát triển bản thân. Bà T.N.K, một lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản đã vui vẻ chia sẻ rằng “Các bạn Việt Nam rất tình cảm, chịu khó và thân thiện, chúng tôi xem họ như những đứa con trong gia đình. Nếu được chuẩn bị tốt hơn trước khi qua Nhật với kỹ năng, kiến thức và ngoại ngữ tôi nghĩ công việc sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”.

Thành tựu được trả bằng mồ hôi và nước mắt

Nhật Bản là đất nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại với rất nhiều thương hiệu uy tín trên thế giới. Năng lực kỹ năng kỹ thuật của Nhật Bản là điều đã được chứng minh bằng thực tiễn thông qua những thành tựu mà họ đã đạt được trong một thời gian ngắn sau thế chiến thứ hai. Nhật Bản cũng là quốc gia có nhiều giải Nobel nhất tại khu vực châu Á khi có tới 26 người được vinh danh từ năm 1949 đến 2018. Tuy nhiên, năng lực chuyển giao kỹ năng kỹ thuật còn tùy thuộc vào mong muốn của người sở hữu kỹ năng kỹ thuật và khả năng tiếp nhận của các bạn trẻ thực tập sinh Việt Nam.

Từ sau thời kỳ Minh Trị (1868-1912), Nhật Bản được biết đến là quốc gia có nền giáo dục phát triển, kết hợp những ưu điểm của tư tưởng phương Tây và đặc sắc của phương Đông, chú trọng phát triển con người toàn diện về tri thức, kỹ năng và tư duy. Từ đó, tự mình kiến tạo tri thức mới gắn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội thực tiễn và đảm bảo hài hòa trong mối quan hệ xã hội với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật (Fukuzawa Yukichi, 1876). Như vậy, năng lực giáo dục đào tạo của Nhật Bản hoàn toàn đủ điều kiện để đáp ứng mục tiêu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật nếu quốc gia này thực sự mong muốn làm điều đó như đã cam kết. Tuy nhiên, con đường tiếp nhận của người trẻ Việt Nam trên đất nước mặt trời mọc còn phải đổi lại bằng cả mồ hôi và nước mắt.

Không phải bạn trẻ nào cũng may mắn có được cơ hội làm những công việc như mơ ước và gặp được những người tận tình chỉ bảo, giúp mình vươn lên trong cuộc sống cá nhân và gia đình. Bạn H.H.L (sinh năm 1996, thực tập sinh của công ty G) đã thật thà chia sẻ: “Quê em ở Quảng Bình, nhà đông người, lại là chị cả nên em được chị họ dắt vào TP HCM để xin đi Nhật làm việc. Lúc đầu nghe tư vấn, em nghĩ qua Nhật sẽ làm trong nhà máy lớn và có rất đông nhân viên. Nhưng đến khi qua Nhật thì sự thật không phải vậy. Em chỉ làm ở một công ty có khoảng 18 người, trong đó chỉ có 2 người Nhật, còn lại là thực tập sinh như em. Công việc của tụi em chính là dán mác chai rượu vang, bốc xếp hàng. Các bạn nam khỏe thì khuân vác, di chuyển hàng đến kho. Hầu như là công việc chân tay không phải suy nghĩ gì ạ.

Tâm lý nôn nóng đi qua Nhật Bản nhanh chóng khiến các bạn trẻ coi thường việc chuẩn bị cho mình một tâm thế tốt và những kỹ năng, tư duy cần thiết để thành công nơi xứ người. Trong khi đó, các đơn vị tổ chức và các doanh nghiệp cũng không chú trọng đến yếu tố này mà chỉ chạy đua dựa vào năng lực đưa người đi với số lượng nhiều và thời gian nhanh nhất. Điều này khiến cho người trẻ Việt Nam bị bỏ lỡ cơ hội học tập, phát triển bản thân và đem tri thức về cho đất nước trong khi đã có một cơ hội quý giá khi bản thân được hội nhập vào thị trường lao động ở một đất nước phát triển.

Thành tựu chỉ đến với những người kiên trì học tập, xứng đáng lãnh nhận và đôi khi phải có thêm một chút may mắn từ sự mỉm cười của cuộc đời. Trong hàng triệu người trẻ đặt chân đến Nhật Bản, vẫn có không ít những bạn hồ hởi khoe chiến tích ngày trở về khi đã tích lũy đủ kiến thức và sự trải nghiệm ở quần đảo này. Bạn N.V.D, một thực tập sinh đến từ Bắc Ninh chia sẻ: “Trước khi đi Nhật em có cơ hội làm lắp ráp máy tính, điện thoại của Microsoft hơn 1 năm. Được người thân giới thiệu, em vào TP HCM nộp hồ sơ vào công ty phái cử V, phỏng vấn hai lần thì đậu. Đến khi qua Nhật em được làm công việc lắp ráp mô tơ điện từ khâu cuốn dây đồng, đến lõi và hoàn thiện thành phẩm. Tuy phải mất một khoảng thời gian đầu để học việc nhưng cả hai công việc đều dựa vào bản vẽ để lắp ráp thành phẩm nên em học rất nhanh”.

Và tại vùng đất xa quê hương ấy, vẫn có những câu chuyện cảm động gắn với tình cảm chan chứa giữa những con người có nhiều khác biệt về ngôn ngữ và quan điểm sống. N.H.M, một bạn gái thực tập sinh đến từ Vĩnh Long đã rưng rưng kể lại: “Khi qua Nhật, thời gian đầu em cũng gặp nhiều khó khăn vì không có kỹ năng tay nghề gì với ngành đúc nhựa, thêm vào đó em hơi nhát nên cũng khó giao tiếp với người Nhật. Tuy nhiên công ty có chế độ tốt, em nhỏ tuổi nên cũng được hỗ trợ nhiều. Giờ em về nước cũng đã hơn nửa năm, nhờ vào mối quan hệ quen biết trước đây nên cũng lấy hàng Nhật về bán online.”

Thành công luôn chờ đón sẵn ở cuối con đường dành cho những người dũng cảm và nhẫn nại. Trên suốt cuộc hành trình Đông Du ấy, đã có những giọt mồ hôi và nước mắt thì cũng có cả những nụ cười hạnh phúc. Sự chuẩn bị chu đáo về ngôn ngữ đi cùng với những kỹ năng, tư duy và tâm thế sống sẽ giúp người trẻ có những bước đi vững chải và chắc chắn trên chuyến đi xa xứ để sau đó quay trở về xây dựng quê hương.

Tham khảo thêm