Skip to content

Bài Học Giáo Dục Cho Việt Nam Từ Chương Trình Thực Tập Kỹ Năng Tại Nhật Bản – Kỳ 7

Bài Học Giáo Dục Cho Việt Nam Từ Chương Trình Thực Tập Kỹ Năng Tại Nhật Bản – Kỳ 7

Kỳ 7: Nhìn Về Hệ Sinh Thái Giáo Dục Cho Những Người Ra Đi

Vào một buổi trưa tháng 9 năm 2023, cô Trần Hương Giang, Giám đốc chuyên môn Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt, say sưa trình bày với các nhân viên của Tâm Việt Group về sứ mệnh xây dựng hệ sinh thái giáo dục cho nguồn nhân lực Việt. Nhiều bạn trẻ đã đưa ra chất vấn xoay quanh định nghĩa thế nào là một hệ sinh thái giáo dục. Đề cập đến vấn đề này, Cô Giang vui vẻ chia sẻ:

Chúng tôi không xem giáo dục đơn thuần chỉ là vai trò của một nhóm người hay một tổ chức; không phải là một thể thức bất biến và cũng không chỉ diễn ra trong một giai đoạn giới hạn của đời người. Giáo dục không thể chỉ gói gọn trong bốn bức tường của trường học và không phải chỉ là trách nhiệm của người đứng trên bục giảng. Giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội, các bài học diễn ra ở khắp mọi nơi và kéo dài suốt cuộc đời. Quan trọng hơn, giáo dục cần thúc đẩy các giá trị học được kết tinh trong tâm thức của mỗi người để nâng đỡ xã hội bước lên những bậc thang của sự tiến bộ và nhân văn.

Với cách tiếp cận từ một hệ sinh thái có thể tác động đến nguồn nhân lực, giúp trang bị cho họ kỹ càng trên từng hành trình phát triển của một đời người, giải pháp cho những người ra đi làm việc tại Nhật Bản đang mở ra một giai đoạn mới nơi nhiệm vụ trang bị hành trang trước khi đi làm ở xứ người và nền tảng đón nhận người trở về đều được chú trọng vun đắp.

Hệ sinh thái giáo dục cho hành trang trước khi đi

Hệ sinh thái giáo dục đối với việc chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho người lao động trước khi đi mưu sinh nơi xứ người cần được thực hiện trên các góc độ khác nhau gắn liền với vai trò đặc thù của từng tổ chức, cá nhân có liên quan.

Năng lực của người lao động là yếu tố đầu vào của chương trình thực tập kỹ năng chưa đủ đáp ứng mục tiêu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật mà phần nhiều là do công ty phái cử chưa đủ sức nhận định và bám sát mục tiêu này để đầu tư bài bản cho người lao động trước khi xuất cảnh về kỹ năng, tư duy, ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản cũng như tay nghề cơ bản. Việt Nam cần phải xây dựng được những hạt giống doanh nghiệp và tổ chức giáo dục tốt, uy tín và có tham vọng vượt khỏi phạm vi một quốc gia hay một thế hệ. Từ đó mới có thể đảo chiều hệ sinh thái kinh doanh, tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả, xóa bỏ được vấn đề bất cân xứng thông tin trên thị trường lao động kết nối quốc tế.

Bà N.T.T.T, chuyên viên phòng Nhật Bản, Đông Nam Á – Cục quản lý lao động ngoài nước, chia sẻ “Sự không chú ý trong đào tạo nghề, trong khi trường nghề ở Việt Nam đang trống rất nhiều, thiếu sự kết hợp về nghề nghiệp giữa công ty phái cử với trường nghề đã khiến cho người lao động không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng trước khi bước ra thị trường thế giới. Cho nên hiện nay đa phần lao động Việt Nam trước khi xuất cảnh đều không có tay nghề hoặc tay nghề cơ bản rất yếu. Do đó khi qua Nhật họ không có đủ nền tảng để tiếp tục học tập”.

Đa số công ty phái cử chỉ hướng đến mục đích ngắn hạn là làm sao cho người lao động đủ an tâm, hài lòng và sẵn sàng bỏ chi phí để đi làm kiếm thu nhập cao. Chưa có chiến lược tuyên truyền, định hướng và tư vấn, cung cấp đầy đủ thông tin cho người lao động về mục tiêu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật. Ngoài sự tham gia của các bộ ngành đã được gọi tên trong chương trình, vai trò của hệ thống giáo dục, đặc biệt là các trường đào tạo bậc sau đại học, Bộ Giáo dục Đào tạo cần phát huy trong việc định hướng học sinh từ giai đoạn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhận định về vấn đề kết nối với hệ thống giáo dục, bà N.T.B.C, trưởng phòng tuyển dụng công ty phái cử V, cho rằng “Để mục tiêu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật thành công từ đầu vào nên chú trọng việc tuyển chọn từ khâu hồ sơ đến khám sức khỏe, chọn lọc những ứng viên có được tay nghề và trình độ học vấn ở mức trung bình từ Trung học phổ thông sẽ dễ trong việc đào tạo, định hướng và tiếp thu”. Trong khi đó, bà B.T.T, giám đốc chi nhánh công ty xuất khẩu lao động H, kiêm giám đốc văn phòng luật sư BP, đưa ra ý kiến đề xuất về việc đẩy mạnh chương trình Kỹ sư để chuyển giao kỹ năng kỹ thuật thành công, còn với chương trình thực tập kỹ năng thì nên tuyển chọn người có tay nghề, kèm theo đó kết hợp với việc đào tạo trước khi xuất cảnh để nâng cao năng lực người lao động.

Ý thức hệ, tầm nhìn ngắn hạn của xã hội bao gồm người lao động, gia đình, bạn bè của các thực tập sinh đã tạo khoảng cách lớn trong nhận thức dẫn đến vấn đề truyền thông diễn ra theo hướng nửa vời và hình thức. Ý thức này có thể thay đổi theo thời gian nhưng có khi phải mất thêm một thế hệ, cách hay và nhanh hơn là nâng chuẩn người lao động tham gia chương trình thực tập kỹ năng thông qua đàm phán lại quy định về yêu cầu nguồn nhân lực đầu vào của chương trình.

Hệ sinh thái đón nhận người trở về

Nhìn theo góc độ hệ sinh thái tiếp nhận lao động sau khi đã được đào tạo tại nước ngoài, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam cần được nhìn nhận qua khả năng tiếp nhận thực tập sinh sau khi về nước, nhất là trong bối cảnh tại Việt Nam chưa có đủ nhiều doanh nghiệp Nhật Bản để có thể hấp thu một lượng lớn thực tập sinh trở về nước. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam ít về số lượng, đa phần có quy mô vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế, tham gia cung ứng sản phẩm dịch vụ ở mức độ thô sơ với mức thu nhập chưa cao trên chuỗi giá trị. Dù có mối quan hệ tốt với Nhật Bản, mức độ liên kết về mặt kỹ thuật giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng vẫn còn thấp. Điều này khiến thực tập sinh cho dù có tiếp nhận được kỹ năng kỹ thuật thì sau khi quay về cũng khó tìm được môi trường làm việc phù hợp

Khảo sát tình hình công việc của TTS sau khi về nước của OTIT (đến 2019)

Biểu đồ bài kỳ 7

Nguồn: Tác giả dịch và vẽ lại từ bảng điều tra và theo dõi TTS đã về nước của OTIT.

Ông N.N.L, Chủ tịch công ty xuất khẩu lao động H cho rằng “Người lao động sang được Nhật Bản đã là cơ hội để thay đổi về kỹ năng làm việc. Tuy nhiên để đúng với tiêu chí chương trình là chuyển giao kỹ năng kỹ thuật thì khó để đánh giá thành công vì cho dù qua Nhật các bạn có được kỹ năng kỹ thuật tốt thì khi về Việt Nam cũng không có đủ môi trường hay công ty Nhật Bản cùng ngành nghề để làm việc và tiếp tục phát huy”.

Trong câu chuyện chuyển giao kỹ năng kỹ thuật, các công ty tiếp nhận phía Nhật Bản có quyền lực lớn trong việc đưa ra quyết định có chuyển giao kỹ năng kỹ thuật hay không vì họ là đối tượng trực tiếp sở hữu kỹ năng kỹ thuật và cũng là nhóm có tư cách thiết lập cuộc chơi trong chương trình thực tập kỹ năng. Tuy nhiên, quyền lợi của họ hiện vẫn chưa xác định và còn thấp vì như tuyên bố của chính phủ Nhật Bản khi tổ chức chương trình thực tập kỹ năng thì chuyển giao kỹ năng kỹ thuật vẫn là mục tiêu đem lại lợi ích cho Việt Nam chứ không phải Nhật Bản. Chính vì vậy, động cơ chuyển giao kỹ năng kỹ thuật của các nhóm này là không có nên họ sẽ không muốn dành thời gian đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam.

Cách hay hơn để các doanh nghiệp này lựa chọn chuyển giao kỹ năng kỹ thuật đó là cho phép họ gia hạn thời gian lao động của thực tập sinh tại Nhật Bản hoặc cho phép các thực tập sinh có thể lựa chọn ở lại Nhật Bản tiếp tục làm việc, như vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có thời gian để khai thác nguồn lực nhiều hơn từ nhóm lao động trẻ này. Đó là động cơ đào tạo mấu chốt của các công ty tiếp nhận..

Một cách khác hay hơn có thể vừa tăng động cơ chuyển giao kỹ năng kỹ thuật của doanh nghiệp Nhật Bản, vừa có thể nhận lại người lao động sau khi được đào tạo quay trở về Việt Nam phục vụ đất nước đó là đẩy mạnh khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản mở công ty con, chi nhánh tại Việt Nam hoặc thúc đẩy họ liên kết với công ty Việt Nam trong cung ứng chuỗi giá trị sản phẩm sản xuất. Nếu làm được điều đó, việc chuyển giao kỹ năng kỹ thuật cho thực tập sinh sẽ có lợi cho cả doanh nghiệp Nhật Bản ngay cả giai đoạn sau khi quay về Việt Nam vì các thực tập sinh đó có thể làm việc cho công ty con, chi nhánh hoặc đối tác của họ ở Việt Nam để cung ứng sản phẩm đầu vào đủ chất lượng cho họ tạo ra những sản phẩm đầu ra tiếp theo trên chuỗi giá trị sản phẩm.

Bài viết liên quan