Bài Học Giáo Dục Cho Việt Nam Từ Chương Trình Thực Tập Kỹ Năng Tại Nhật Bản – Kỳ 6

Kỳ 6: Thúc Đẩy Quá Trình Học Nhật Hiểu Bản

Takahashi Masashi, một chuyên gia và thầy giáo người Nhật Bản có duyên gắn bó với Việt Nam gần 20 năm và hiện đang giữ vị trí Giám đốc đối ngoại tại Tâm Việt Group, tổ chức giáo dục cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ có gắn kết thị trường nguồn nhân lực Việt – Nhật. Khi nhắc đến câu chuyện về Việt Nam và Nhật Bản, Ông chia sẻ:

Năm 2004, tôi lần đầu tiên đến Việt Nam. Vào thời điểm đó, Việt Nam còn khó khăn, nhưng rất giàu sức sống và tôi cảm nhận được tiềm năng phát triển của Việt Nam trong tương lai. Ở Nhật Bản, mọi người có thể đưa ra nhiều đánh giá khác nhau về khả năng phát triển và tương lai của các quốc gia Châu Á, trong đó, Việt Nam thường được so sánh với các nước lân cận. Và cho đến nay, sau gần 20 năm gắn bó, tôi vẫn luôn cảm thấy thật tốt vì bản thân đã chọn Việt Nam.

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở bốn hòn đảo nằm ở phía Đông đại lục Châu Á, một vài chuyên gia Nhật Bản đã chính thức tham gia quá trình chuyển giao kỹ năng kỹ thuật khi nhận lời mời từ phía doanh nghiệp Việt Nam và sẵn sàng chọn mảnh đất hình chữ S là quê hương thứ hai. Quá trình học Nhật hiểu Bản được đề xuất như giải pháp mang tính chiến lược dài hạn và giúp sự chuyển đổi chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trở nên thực chất hơn.

Học Nhật hiểu Bản bắt đầu từ sự chuẩn bị

Thật ra, hành trình học Nhật hiểu Bản quan trọng nhất là giai đoạn chuẩn bị ở Việt Nam vì có tính chất quyết định sự thành công hay thất bại của kết quả chuyển giao kỹ năng kỹ thuật tại Nhật Bản. Do Chương trình thực tập kỹ năng không yêu cầu cụ thể trình độ ngoại ngữ hay tác phong, giáo dục định hướng chỉ cần tối thiểu học đủ 160 tiết (đã bao gồm 74 tiết định hướng) có xác nhận của công ty phái cử vào hồ sơ đào tạo gửi xin tư cách lưu trú (Thông tư 21), điều này mở ra cơ hội cho các công ty phái cử tận dụng “lỗ hổng” để “bùa” giấy tờ cho thực tập sinh hợp lệ xuất cảnh. Đa số công ty phái cử hạ chuẩn đào tạo, từ giáo viên đến cơ sở vật chất đều không được đầu tư bài bản.

Đặc biệt ở miền Bắc, vì người lao động muốn thoát nghèo chiếm số lượng lớn, một số công ty phái cử do không hiểu được bản chất của chương trình và không nắm được luật rõ ràng, không đầu tư đủ cơ sở vật chất, không chú trọng đào tạo và quản lý thực tập sinh, đã đưa người qua Nhật Bản theo cách “đem con bỏ chợ”. Thực trạng này một phần là do phía Việt Nam chưa có sự điều chỉnh hay thương lượng với Nhật Bản để có quy định giúp nâng cao năng lực đào tạo người lao động trước khi tham gia chương trình.

Một số tổ chức vẫn kiêện trì theo đuổi quá trình đào tạo đúng chuẩn để có sự chuẩn bị đầy đủ và giúp người lao động được trang bị tốt trước khi đi ra nước ngoài. Tuy nhiên, chính các tổ chức này lại dễ trở nên yếu thế khi việc đào tạo đòi hỏi người lao động phải tốn nhiều thời gian chuẩn bị ở Việt Nam và phải mất tiền học phí đào tạo. Trong khi thị trường lao động Việt – Nhật vẫn chưa có đủ thông tin và tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng sản phẩm dịch vụ, người lao động chỉ căn cứ vào một chuẩn chung để lựa chọn công ty đưa họ đi qua Nhật Bản làm việc, đó là thời gian chuẩn bị đi làm ở nước ngoài và tổng chi phí phải bỏ ra. Do đó, trong nhóm các công ty phái cử lao động sẽ diễn ra hiện tượng “hàng xấu đuổi hàng tốt” khi các doanh nghiệp càng làm việc tử tế và chú trọng đào tạo càng dễ bị đảo thải ra khỏi cuộc chơi.

Ngoại ngữ chính là phương tiện giúp cho người lao động có thể lắng nghe, hiểu và phản hồi ý kiến, từ đó học tập và tiếp thu công việc hiệu quả nhất. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt (Tâm Việt Group) cho thấy có gần 90% thực tập sinh phản hồi rằng điều gây khó khăn cho họ nhất khi sang Nhật chính là khả năng ngoại ngữ và văn hoá. Qua đó cho thấy, đây chính là hành trang cần chuẩn bị kỹ nhất cho cho người lao động trước khi sang Nhật. Một trong những nguyên nhân là vì kinh phí đào tạo dựa vào học phí của người học còn hạn  hẹp khiến các nguồn lực đào tạo cũng bị hạn chế.

Anh N.T.A, Giám đốc Trung tâm Nhật ngữ K tại TP HCM, cho biết: “Hiện nay trung bình khóa học N5 cơ bản của trung tâm chúng tôi khoảng 96 tiết và học phí dao động từ 6 đến 9 triệu đồng/ khóa 3 tháng. Để giao tiếp được tiếng Nhật bài bản học viên không chỉ phải đầu tư về chi phí mà còn là công sức và thời gian nhiều”.

Ngay cả khi các doanh nghiệp tổ chức đào tạo đúng chuẩn theo yêu cầu đầu vào từ phía Nhật Bản và Việt Nam thì cũng chỉ đảm bảo giúp người lao động nhanh chóng hòa nhập vào xã hội Nhật Bản và thực hiện tốt các công việc được giao chứ chưa thể đảm bảo việc học tập, nâng cao năng lực bản thân họ.

Đối với mục tiêu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật trong các công việc thực tiễn, thực tập sinh rất cần có được kỹ năng quan sát, lắng nghe, cảm nhận và hệ thống hóa các vấn đề họ tiếp nhận được một cách tự nhiên chứ không phải chỉ là câu chuyện được dạy lý thuyết hay trao đổi một chiều từ người có kỹ năng kỹ thuật đến người học. “Học Nhật, hiểu Bản” nên được hiểu là việc học tập thông qua nhận thức những hiện tượng, hành vi và cách hành xử của con người Nhật Bản trong quá trình lao động và sinh hoạt hàng ngày để có thể đúc kết thành bản chất thật sự của cách thức vận hành này, chính sự hệ thống hóa các dữ liệu bề nổi thành các kinh nghiệm sâu sắc bề chìm mới mang lại kỹ năng kỹ thuật quý giá đem về kiến tạo và áp dụng cho Việt Nam.

Học Nhật hiểu Bản ở đất nước mặt trời mọc

Theo DOLAB (2019), vẫn còn tình trạng các đoàn thể và tổ chức tiếp nhận ở Nhật Bản tham gia chương trình thực tập kỹ năng với mục đích có được nguồn nhân lực giá rẻ chất lượng cao hơn nên có động thái ép giá và chưa tích cực đào tạo người lao động.

Một số ý kiến khác cho rằng việc các thực tập sinh qua Nhật Bản làm những công việc giản đơn, lao động chân tay thì sao có thể thực hiện chuyển giao để học hỏi được điều gì. Cần hiểu rằng, ngay từ khi xây dựng chương trình, Nhật Bản đã tuyên bố mục tiêu đón nhận thực tập sinh là “chuyển giao kỹ năng kỹ thuật” chứ không phải “chuyển giao công nghệ”. Việc chuyển giao công nghệ thường được hiểu lầm là lý do thực hiện chương trình nhưng đây là giá trị quá lớn mà ngay cả nhóm các chuyên gia, kỹ sư lành nghề cũng chưa thể tiếp nhận nỗi, do đó, lại càng không nên là nhiệm vụ của các bạn thực tập sinh, vốn là nhóm lao động giản đơn.

Trong bối cảnh phát triển mới của nền kinh tế thế giới với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tham gia của trí tuệ nhân tạo, Nhật Bản sẽ có động lực dịch chuyển mạnh mẽ các hoạt động sản xuất công nghiệp trên chuỗi giá trị sản phẩm. Để nắm được những khâu có công nghệ cao hơn và đem lại giá trị thu nhập cao hơn, Nhật Bản có thể sẽ có nhu cầu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật gắn với công nghệ cũ ở những khâu thấp hơn mà họ đã từng đảm nhận. Đây là lý do tốt nhất để thực hiện chuyển giao kỹ năng kỹ thuật mà Nhật Bản vẫn có thể nhận được lợi ích trực tiếp. Vấn đề là họ sẽ chọn Việt Nam hay một quốc gia nào khác?

Vấn đề là một cuộc chuyển giao nào dù là công nghệ hay kỹ năng thì cũng cần được đón nhận từ cao đến thấp để tạo thành một chuỗi giá trị, một nền kinh tế chứ không phải là câu chuyện “đầu voi đuôi chuột” mà chỉ có nguồn nhân lực cao cấp mới thực hiện. Nếu các chuyên gia học tập các công nghệ cao cấp thì vẫn cần lực lượng công nhân, lao động giản đơn thực hiện được những công đoạn nhỏ bên dưới. Như vậy, nếu các thực tập sinh khi bước ra thế giới và học tập được góc nhìn để biết cách “làm công việc nhỏ với tư duy lớn” thì khi quay về Việt Nam sẽ có năng lực phối hợp tốt với các nhóm lao động ở những phân khúc khác nhau tạo nên câu chuyện chuyển đổi kinh tế thành công cho quê hương.

Ông Trần Anh Nguyên, đại diện công ty Tâm Việt Nhật Bản (Tâm Việt Group) chịu trách nhiệm chăm sóc và đảm bảo quyền lợi cho các thực tập sinh của công ty đang làm việc tại đất nước này cho biết:

Thật ra do các đối tác của chúng tôi là những doanh nghiệp lớn nên đa số các bạn thực tập sinh đều được làm việc tại các xưởng lớn và luôn làm trực tiếp với các chuyên gia Nhật Bản. Người Nhật họ cũng dạy các bạn nhưng chủ yếu sẽ dạy những thứ liên quan đến công việc cụ thể như các quy định trong công việc, cách thức báo cáo công việc. Thậm chí có công ty còn thuê giáo viên về dạy thêm tiếng Nhật cho các bạn. Vấn đề là các bạn trẻ có đủ tinh ý và chủ động học tập hay không thôi”.

Về phía Việt Nam, chuyển giao kỹ năng kỹ thuật là mục tiêu đem lại lợi ích trực tiếp nếu nhìn dưới góc độ chiến lược phát triển quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là đất nước đang phát triển với mức thu nhập trung bình chưa cao. Đặc biệt bối cảnh thỏa thuận chương trình thực tập kỹ năng giữa Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu từ 30 năm trước, khi mà Việt Nam còn nhiều áp lực kinh tế xã hội để buộc phải ưu tiên quan tâm đến số lượng người lao động được tiếp nhận và thu nhập của thực tập sinh đi làm việc tại Nhật Bản hơn là chuyển giao kỹ năng kỹ thuật nhằm giải quyết bài toán giảm nghèo, giảm thất nghiệp, đảm bảo trật tự, công bằng xã hội. Trong thời điểm hiện tại, khi Việt Nam đối diện thách thức bẫy thu nhập trung bình và tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc do các dư địa phát triển dần bão hòa, nếu thỏa thuận được tái ký kết lại thì Việt Nam sẽ có động cơ quan tâm đến mục tiêu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật nhiều hơn.

Ông Vũ Thanh Thủy, giám đốc vận hành hệ thống Tâm Việt Group trầm ngâm cho biết: “Dù trong trường hợp nào thì chúng tôi vẫn phải kiên quyết đảm bảo hướng đến chất lượng đào tạo cho nguồn nhân lực Việt Nam. Thị trường lao động quốc tế đang chuyển hướng phát triển theo chiều sâu. Đến thời điểm chín muồi, tôi tin những doanh nghiệp làm ăn tử tế nhất sẽ có chỗ đứng vững vàng trên thị trường này.”.

Hành trình học Nhật hiểu Bản tuy cam go nhưng có lẽ đang trong giai đoạn quyết định nhất để Việt Nam có thể hoàn thành công cuộc chuyển đổi chất lượng nguồn nhân lực. Để thực hiện trọn vẹn câu chuyện này, sự kết nối, phối hợp giữa các tổ chức chính phủ, các doanh nghiệp và người lao động là rất quan trọng.

Tham khảo thêm