Skip to content

Bài Học Giáo Dục Cho Việt Nam Từ Chương Trình Thực Tập Kỹ Năng Tại Nhật Bản – Kỳ 1

Bài Học Giáo Dục Cho Việt Nam Từ Chương Trình Thực Tập Kỹ Năng Tại Nhật Bản – Kỳ 1

Kỳ 1: Những Hành Trình Ra Đi Và Trở Về

Chiều muộn, nắng vàng nhạt dần còn sót lại hắt lên gương mặt rám đen rắn rỏi của chàng thanh niên trẻ với đôi mắt phảng phất nỗi buồn dưới hàng lông mày rậm đang chau lại như cố gắng hồi tưởng trọn vẹn ký ức về một giai đoạn mang dấu ấn quan trọng đã qua trong cuộc đời mình:

Em đang làm cho một xưởng nhỏ ở quê thì có đơn vị TP HCM về tuyển dụng bảo đi Nhật làm việc kiếm tiền nên bố mẹ bán đất cho em đi. Sau 1 tháng học tiếng Nhật thì em  đậu phỏng vấn. Cả gia đình em làm tiệc ăn mừng. Em làm xây dựng, công việc ngoài trời rất vất vả, nguy hiểm. Gia đình gọi qua em không dám nói thật, chỉ nói điều tốt để cả nhà đừng lo lắng. Nhiều khi nản muốn bỏ về mà vì bố mẹ nên em ráng tiếp tục cố gắng. Sau 3 năm, em về quê được gia đình và họ hàng mở tiệc chào mừng rất hoành tráng, không ai hỏi về công việc hay em đã học được gì mà chỉ quan tâm lương có cao không, để dành được bao nhiêu tiền. Giờ thì em quay trở lại TP HCM đăng ký chạy xe công nghệ kiếm sống, hy vọng tìm công việc ổn định hơn.

N.N.N là một trong phần lớn những người trẻ Việt Nam mang trong mình một hành trang ít ỏi thông tin và kiến thức để lên đường đi đến đất nước mặt trời mọc với giấc mơ đổi đời đầy tham vọng. Trải qua 30 năm triển khai ở khu vực Châu Á, chương trình Thực tập kỹ năng (TTKN) đưa người lao động đến làm việc tại Nhật Bản với mục tiêu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật đã giúp thay đổi điều kiện vật chất của rất nhiều hộ gia đình ở các vùng nông thôn Việt Nam, tuy nhiên, giấc mơ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vẫn là một câu hỏi đang còn bị bỏ ngõ.

Có hay không cơ hội chuyển giao kỹ năng kỹ thuật?

Trong mười năm qua, Nhật Bản liên tục ghi nhận tình trạng dân số già gây thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Dù có hàm lượng công nghệ ứng dụng trong sản xuất kinh doanh rất cao và không quá thâm dụng lao động, nhưng Nhật Bản vẫn oằn mình gánh chịu thực trạng số người trong độ tuổi lao động quá ít trong khi dân số trên 65 tuổi đã đạt kỷ lục. Thực trạng này đe dọa khả năng duy trì và phát triển kinh tế của xứ sở mặt trời mọc và giải pháp khả thi nhất lúc này là nhập khẩu nguồn lao động từ các quốc gia trong khu vực.

Tháp dân số Nhật Bản (1950, 2005, 2055) và tháp dân số Việt Nam (2025, 2055)

Hình 1 bài kỳ 1

Hình 2 bài kỳ 1

Nguồn: Cục thống kế Việt Nam và Nhật Bản

Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng với nguồn nhân lực dồi dào.  Nếu nhìn cơ hội từ góc độ nhu cầu và sự tương đồng văn hóa, cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc thì Việt Nam là quốc gia thứ ba mang đặc điểm “đồng chủng, đồng văn” với Nhật Bản. Trong khi, Hàn Quốc đã trở thành nước phát triển thì đa phần nhân lực trẻ Trung Quốc có đời sống và thu nhập đã đang tăng cao từ 2010 nên ít có nhu cầu dịch chuyển lao động hơn trước. Do đó cơ hội hợp tác trao đổi nguồn nhân lực còn lại đã diễn ra khi Việt Nam muốn đưa lao động đi làm việc ở thị trường thế giới để cải thiện thu nhập và học hỏi kỹ năng kỹ thuật còn Nhật Bản cũng muốn nhập khẩu lao động từ một quốc gia có văn hóa tương đồng để bù đắp thiếu hụt và phải thực hiện trách nhiệm chuyển giao kỹ năng kỹ thuật.

Ai là người quyết định ra đi?

Chương trình hướng đến đối tượng mục tiêu là người lao động có trình độ vừa phải, không quá cao, đa số xuất thân từ các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình thấp. Nhóm này thường có một suy nghĩ mặc nhiên đi làm việc là để kiếm thu nhập cao nhằm có vốn về thay đổi cuộc đời chứ không quan tâm đến việc học tập từ thực tiễn công việc. Trong một khảo sát của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt trên 1010 thực tập sinh tham gia chương trình, kết quả cho thấy có tới 77% lao động mong muốn đi Nhật để làm việc và kiếm tiền. Chỉ có 23% mong muốn đi để học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng. Điều đó cho thấy đa phần nhận thức của người lao động chỉ dừng lại ở những lợi ích trước mắt dễ nhận biết.

Có những cuộc ra đi ngỡ như là một quyết định rất lớn trong đời người nhưng lại bắt nguồn từ những lý do có phần giản đơn và ngẫu hứng. Bạn N.M.H (1999) hiện đang là một thực tập sinh tại Nhật Bản chia sẻ: “Ở quê em có chị đi Nhật, sau đó lấy chồng người Nhật rồi ở lại luôn. Thấy chị ấy gửi tiền về xây nhà cho bố mẹ, làng xóm ai cũng khen. Nhà em cũng thuộc diện khó khăn, anh em lại đông, nên hỏi được thông tin là em lên đăng ký, nếu đậu thì mượn tiền rồi đi làm trả nợ. Em cũng chẳng mong muốn gì, thấy gia đình nghèo khổ đi để thoát nghèo, gửi tiền về cho bố mẹ, mong cuộc sống đỡ hơn chút nào”. 

Sự ra đi, dù là để học tập hay để giúp cho gia đình thoát nghèo đều là những mục tiêu hợp lý và đáng trân trọng. Tuy nhiên, nếu người ra đi có thể nhìn ra và được chuẩn bị kỹ lưỡng để đón nhận cơ hội học tập và phát triển năng lực ở một đất nước phát triển thì có lẽ lợi ích không chỉ dừng lại ở bản thân hay gia đình họ mà còn nhân rộng lên ở tầm vóc quốc gia và dân tộc.

Kết quả chuyển giao kỹ năng kỹ thuật là gì?

Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam dù có nỗ lực cải thiện nhưng vẫn chuyển biến rất chậm và vẫn đang bị đinh vị ở nhóm thấp trong khu vực Đông Nam Á. Cơ cấu lao động chưa có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc ở Việt Nam hiện vẫn chiếm trên 70% tổng số lao động trên thị trường.

Năng suất lao động của Việt Nam so với các nước Đông Nam Á

Hình 3 bài kỳ 1

Nguồn: Ngân hàng Thế Giới

Trong khi sự thay đổi đến từ hoạt động cải cách giáo dục trong nước vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn, chiến lược thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực đến từ tận dụng ngoại lực khi đưa người đi làm việc và học tập ở các nước phát triển dường như cũng vẫn dậm chân tại chỗ.

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt trên đối tượng thực tập sinh đi làm việc tại Nhật Bản cho thấy mức độ dịch chuyển kỹ năng thậm chí còn đi theo chiều hướng tiêu cực khi số lượng thực tập sinh tham gia vào nguồn nhân lực yêu cầu kỹ năng tay nghề sau khi trở về nước (19,41%) còn thấp hơn so với trước khi đi Nhật (23,07%).

Sự chuyển dịch LĐ từ công việc không yêu cầu kỹ năng, tay nghề sang yêu cầu kỹ năng tay nghề

Hình 4 bài kỳ 1

Nguồn: Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt, Tâm Việt Education

Rõ ràng, câu chuyện chuyển giao kỹ năng kỹ thuật cho nguồn nhân lực Việt Nam từ phía Nhật Bản khó thực hiện hơn rất nhiều so với mục tiêu giải quyết công ăn việc làm và cải thiện thu nhập cho lao động và các hộ gia đình. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam cần chuyển đổi nền kinh tế để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và chuẩn bị cho giai đoạn dân số già sẽ diễn ra trong khoảng 20 năm sau, mục tiêu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật đã đến lúc cần được nhìn nhận nghiêm túc để tìm kiếm giải pháp nhằm giúp cải thiện chất lượng lao động Việt Nam hiệu quả.

Bài viết liên quan