Chuyển tới nội dung

Bài Học Giáo Dục Cho Việt Nam Từ Chương Trình Thực Tập Kỹ Năng Tại Nhật Bản – Kỳ 2

Bài Học Giáo Dục Cho Việt Nam Từ Chương Trình Thực Tập Kỹ Năng Tại Nhật Bản – Kỳ 2

Kỳ 2: Hành Trang Chuẩn Bị Trước Khi Lên Đường

Sau khi có kết quả phỏng vấn đậu chương trình Thực tập Kỹ năng tại Nhật Bản, em T.T.T (quê ở Tiền Giang) rời khỏi trung tâm để bắt xe buýt về nhà trọ. Trên đường đi T tranh thủ gọi điện thông báo kết quả cho gia đình ở quê. Nhìn dòng người tấp nập qua lại trên phố, T không tránh khỏi cảm giác bồn chồn nửa mừng nửa lo khi nghĩ đến cuộc sống nơi đất khách quê người.

Em đi làm để trả nợ cho cha mẹ và các em ở quê, lên đây học tiếng Nhật và làm hồ sơ trong 6 tháng. Trước đó em chỉ tốt nghiệp cấp 3 xong là đi làm công nhân ở quê chứ chưa biết ngoại ngữ, công việc ở nhà máy cũng chủ yếu là gia công thô sơ chứ không có nhiều chuyên môn. Tiếng Nhật lại khó, mà giờ chỉ có 6 tháng để học, thêm vào đó em cũng tìm hiểu về Nhật Bản,, biết ở đây họ rất trọng về phép tắc, lễ nghi và sinh hoạt cũng khác nhiều với nước mình, tính em lại rụt rè nên  em lo mình không thể thích nghi được cuộc sống bên đó.

T ngồi trong căn phòng trọ nhỏ, hai tay siết chặt vào nhau như đang cố trấn tỉnh bản thân, đôi mắt cô bé hơi ướt, khẽ nhìn vào khoảng không vô định bên ngoài sân nhà như đang cố khỏa lấp sự trống trải trong lòng.

Đó là một trong hầu hết hoàn cảnh của các thực tập sinh quyết tâm lên đường đi sang Nhật Bản để bắt đầu một cuộc sống mới. Gánh nặng tài chính và khát khao được nhanh chóng đi làm kiếm tiền thúc giục những người trẻ ấy cố gắng để được đặt chân đến đất nước hoa anh đào càng sớm càng tốt. Đó là lý do khiến không ai trong họ có đủ bình tĩnh và nhẫn nại để tham gia các khóa học tại Việt Nam lâu hơn nhằm được trang bị hành trang lên đường kỹ càng hơn.

Những trục trặc ngay từ khâu thiết kế cho đến tổ chức chương trình

Có một sự thật đã đang xảy ra đối với các chương trình phái cử nguồn nhân lực trong nước đi sang Nhật Bản đó là ít ai nhận ra được khối lượng kiến thức, kỹ năng và tư duy được trang bị cho một học viên trước khi lên đường đang quá ít để giúp họ thích ứng với cuộc sống mới, chưa bàn đến việc học tập, tiếp nhận chuyển giao kỹ năng kỹ thuật. Nguyên nhân chính là do quan điểm ăn sâu vào tư duy của những người làm chương trình luôn muốn hướng đến một mục đích ngắn hạn, đó là kiếm tiền trước mắt rồi quay về có vốn làm ăn nhỏ lẻ chứ không có khái niệm về việc nâng cao năng lực kỹ năng kỹ thuật hoặc đem những kiến thức, công nghệ trở về xây dựng quê hương.

Năng lực các cơ quan ban ngành hiện nay đang thiên về phục vụ quá trình phối hợp vận hành chương trình sao cho người lao động qua được đến Nhật Bản một cách hợp pháp và có sự chuẩn bị ở mức tối thiểu để có thể bắt đầu làm việc. Trong khi đó, bản chất Chương trình Thực tập Kỹ năng lại đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều cơ quan ban ngành và phải kết nối được giữa nhà nước và doanh nghiệp. Yêu cầu quá khắt khe này khiến cơ chế vận hành chỉ đảm bảo dừng lại ở việc thúc đẩy quy trình đưa học viên qua Nhật Bản có thể hoàn thành trọn vẹn và đáp ứng được tiến độ chứ chưa thể đi sâu vào chất lượng kiến thức được trang bị cho thực tập sinh trước khi đi. Tình trạng người lao động phải thông qua công ty môi giới, không được đào tạo kỹ lưỡng, học vẹt đối phó để đậu phỏng vấn, bằng cấp bị làm giả chưa được cơ quan chức năng giám sát, rà soát vẫn còn xảy ra.

Em N.H.M sinh năm 1997 ở Vĩnh Long chia sẻ:

Trước khi đến được với công ty A, em đã phải qua trung gian đến 2 lần. Lần thứ nhất là một người anh quen ở cùng xóm kể cho em nghe về việc đi Nhật sẽ kiếm được nhiều tiền cộng với chế độ phúc lợi, cuộc sống tốt hơn ở Việt Nam nhiều. Anh bảo đưa cho anh 5 triệu, anh sẽ sắp xếp cho em đi được, Sau đó anh lại dắt em đến một “công ty nguồn” ở Vĩnh Long. Lên đó họ cho em học, rồi bảo đóng phí và tiền hồ sơ thêm hơn 15 triệu, họ bảo sắp tới có đợt phỏng vấn trên TP. HCM, chắc chắn sẽ đậu. Tin lời em làm theo đến mãi sau mới biết đó đều là môi giới, nếu có đủ kiến thức và thông tin em chỉ cần đến trực tiếp Công ty phái cử A, sẽ không phải mất cả thời gian và những khoản phí kia.

Ở góc độ tổ chức chương trình học, các doanh nghiệp hoạt động trên phân khúc giáo dục nhân lực trước khi đi ra nước ngoài nhìn chung thích phát triển theo chiều rộng hơn chiều sâu. Họ có năng lực hạn chế trong việc trang bị các kiến thức giúp người lao động có thể thích ứng và tiếp nhận chuyển giao kỹ năng kỹ thuật. Đặc điểm khu vực tư nhân của Việt Nam có đến 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu nguồn lực về vốn, con người và công nghệ, triết lý kinh doanh chưa sâu và tầm nhìn còn ngắn hạn. Đa phần các công ty phái cử chủ trương chạy theo số lượng hơn chất lượng. “Năng lực” đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng, ngành nghề của họ chỉ đang ở mức “nước đến chân mới nhảy”, đào tạo để đối phó với các kỳ phỏng vấn và yêu cầu của đối tác. Rất ít doanh nghiệp có chương trình đào tạo bài bản, đúng tiêu chuẩn để thực tập sinh có thể nhanh chóng thích nghi, học tập và làm việc tại Nhật Bản.

Đề cập đến vấn đề chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trước khi đi nước ngoài làm việc, Bà N.T.T.T, chuyên viên cục quản lý lao động ngoài nước, đã trao đổi thẳng thắn:

Nhìn tổng thể tôi thấy ở miền Bắc và miền Trung do còn khó khăn, người lao động có xu hướng đi nước ngoài làm việc đông nên các công ty xuất khẩu lao động mọc lên rất nhiều dẫn đến không có sự đầu tư cả về kiến thức lẫn cơ sở vật chất để đào tạo thực tập sinh trước khi xuất khẩu đàng hoàng, nhiều công ty làm qua loa cho xong.

Do chương trình Thực tập Kỹ năng không yêu cầu cụ thể trình độ ngoại ngữ hay tác phong, giáo dục định hướng chỉ cần tối thiểu học đủ 160 tiết (đã bao gồm 74 tiết định hướng) có xác nhận của công ty phái cử vào hồ sơ đào tạo gửi xin tư cách lưu trú (Thông tư 21), điều này mở ra cơ hội cho các công ty phái cử hạ chuẩn đào tạo, từ giáo viên đến cơ sở vật chất đều không được đầu tư bài bản. Bên cạnh đó, thực trạng này một phần là do phía Việt Nam chưa có sự điều chỉnh hay thương lượng với Nhật Bản để có những quy định giúp nâng cao năng lực đào tạo người lao động trước khi tham gia chương trình. 

Thực tập sinh đã chuẩn bị hành trang như thế nào?

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt, 90% thực tâm sinh đi Nhật Bản với mục đích kiếm tiền thoát nghèo để có tương lai tốt hơn, 95% thực tập sinh không biết đến mục đích, ý nghĩa của chương trình Thực tập Kỹ năng là để chuyển giao kỹ năng kỹ thuật mà chỉ xem chương trình là xuất khẩu lao động đơn thuần, “bán sức kiếm tiền”. Do đó, họ mặc nhiên chỉ xem đây là một dịp để kiếm tiền thông qua bán sức lao động của mình như một món hàng, ai bảo gì thì làm theo. Điều này cho thấy thể lực, tâm lực và trí lực của người lao động Việt Nam còn rất mỏng, họ không đủ kiến thức, kỹ năng và tâm thế để tiếp nhận ngay cả ngoại ngữ, kỹ năng, chứ chưa bàn đến vấn đề kỹ năng kỹ thuật vốn là một phạm trù mơ hồ và khó tiếp cận hơn rất nhiều. 

Khi nhận được những mẫu tuyển dụng, yêu cầu đơn giản về độ tuổi, sức khỏe, ngoại hình, người lao động xem đó là “tiêu chuẩn” để dự tuyển và chương trình chỉ dừng lại ở một thị trường mua bán sức lao động. Thậm chí những bạn chưa tốt nghiệp cấp 2, không có tay nghề và kỹ năng vẫn có thể đậu ngay từ lần đầu phỏng vấn. Thực tế cho thấy, các công ty phái cử vẫn đang đăng tuyển với thông điệp “không cần kinh nghiệm, kỹ năng” vẫn có thể tham gia chương trình. Và ai cũng hài lòng khi có thể đưa người lao động đi qua đến Nhật Bản, không ai quan tâm cuộc sống và những thành quả họ gặt hái được ở xứ người.

Một câu chuyện thực tế nghe đến đau lòng của bạn N.V.T, sinh năm 1992 ở Long An chia sẻ:

Lúc ấy có biết gì đâu chị, còn non trẻ nghe đám bạn nói đi Nhật kiếm tiền thì cứ bán sống, bán chết bằng mọi cách kiếm công ty nào cho mình đi là đi thôi, nào ngờ em đậu vào đơn hàng xây dựng ngoài trời, công việc chính là đào móng. Áp lực, vất vả đã vậy còn bị la mắng suốt ngày khiến em không thể chịu nổi nên đành phải trốn, sau đó tìm đường về lại quê hương. “

Không có sự chuẩn bị, tìm hiểu, hành trang trên vai chỉ là tham vọng kiếm tiền đổi đời khiến cho không chỉ có T, mà rất nhiều mảnh đời khác bị rơi vào bế tắc, tuyệt vọng. Tệ hơn họ phải tìm đến con đường giải thoát bản thân ở nơi xứ người.

Khoảng cách giữa hành trang và nhu cầu thực tiễn

Theo kết quả khảo sát, hai ngành yêu cầu tay nghề là may và xây dựng rất khó đáp ứng mục tiêu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật vì đa phần thực tập sinh ngành may mặc là phụ nữ lớn tuổi có kinh nghiệm nên việc học ngoại ngữ mới và hòa nhập vào môi trường nước ngoài để tiếp thu kỹ năng kỹ thuật rất khó khăn. Ngược lại, ngành xây dựng thường thu hút lao động nam trình độ học vấn thấp nên khi sang Nhật dễ gặp trục trặc trong công việc và cuộc sống.

Ngoại ngữ chính là phương tiện giúp cho người lao động có thể lắng nghe, hiểu và phản hồi ý kiến, từ đó học tập và tiếp thu công việc hiệu quả nhất. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy có gần 90% thực tập sinh phản hồi rằng điều gây khó khăn cho họ nhất khi sang Nhật chính là khả năng ngoại ngữ.

Bạn N.T.S, một thực tập sinh đã quay về Việt Nam và hiện đang làm giáo viên dạy Nhật Ngữ tại TPHCM cho biết:

Tiếng Nhật cực kỳ quan trọng, tôi từng đi ngành đóng gói thực phẩm, thời gian đầu bập bẹ tiếng khi qua Nhật cảm thấy rất khó khăn, họ bảo tôi bên trái, tôi lại sang phải, bảo tôi xếp chồng lên tôi lại để ngang, thành ra hiệu quả công việc không cao, tâm lý lại càng hoang mang, không thể hòa nhập và tham gia vào dây chuyền của họ.

Câu chuyện hành trang chuẩn bị cho thực tập sinh trước khi đi còn quá thiếu thốn đang thể hiện rõ bức tranh của một sự chuyển giao trên hình thức hoặc chuyển giao chưa tới nơi tới chốn, mà phần lớn là do Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để tiếp nhận một chương trình có tính chất chiến lược và đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn, một tư duy bền vững.

Bài viết liên quan