Skip to content

Bài Học Giáo Dục Cho Việt Nam Từ Chương Trình Thực Tập Kỹ Năng Tại Nhật Bản – Kỳ 8

Bài Học Giáo Dục Cho Việt Nam Từ Chương Trình Thực Tập Kỹ Năng Tại Nhật Bản – Kỳ 8

Kỳ 8: Chuyển Giao Kỹ Năng Kỹ Thuật, Tương Lai Nào Cho Việt Nam

Không phủ nhận chương trình thực tập kỹ năng thành công khi giúp Việt Nam giải quyết vấn đề thất nghiệp và cải thiện thu nhập của một số lớn người lao động, cũng như giúp nâng cao chất lượng sống của các hộ gia đình có thành viên tham gia chương trình. Vấn đề nằm ở mục tiêu chính của chương trình là chuyển giao kỹ năng kỹ thuật nhưng không làm được hoặc làm chưa đạt kỳ vọng nhưng vẫn bị hiểu lầm là thành công sẽ khiến cho cả hệ thống nhà nước, các doanh nghiệp và người dân có tâm lý rằng Việt Nam mình đã làm được nhiệm vụ chuyển giao kỹ năng kỹ thuật rồi, không cần phải thay đổi hay làm thêm gì nữa. Điều này ảnh hưởng đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực và khả năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan ban ngành nhà nước cấp Trung ương, cần nhìn thẳng vào vấn đề là chúng ta đã thất bại trong chuyển giao kỹ năng kỹ thuật và cần phải nghiêm túc thực hiện các giải pháp để đạt được mục tiêu này trong tương lai. 

Sự thay đổi tư duy và cách nhìn nhận vấn đề từ hôm nay

Do chương trình có liên quan đến mối quan hệ giữa hai quốc gia và hệ tư tưởng văn hóa, triết lý sống của Nhật Bản nên cũng có khi quan điểm phía Nhật Bản là việc họ tiếp nhận người lao động Việt Nam đã là giúp Việt Nam có cơ hội nhận chuyển giao kỹ năng kỹ thuật, vấn đề còn lại là thực tập sinh có biết tìm kiếm và nỗ lực để đạt được mục tiêu này hay không. Nếu nghĩ theo cách đó thì Nhật Bản không sai khi cho rằng họ đã hoàn thành nhiệm vụ chuyển giao kỹ năng kỹ thuật và cũng không đáng bị lên án. 

Ông U.T, Phó chủ tịch TCGS JC của Nhật Bản, chia sẻ “Nếu xét về tính trực tiếp về yếu tố chuyển giao kỹ năng kỹ thuật thì chương trình này không thành công. Tuy nhiên, xét về yếu tố gián tiếp thì chương trình này thành công lớn. Tôi đánh giá cao tinh thần cầu tiến, cần cù, chịu khó của người Việt Nam. Tuy nhiên, họ còn thiếu rất nhiều kỹ năng để hội nhập toàn cầu. Thông qua chương trình, người trẻ Việt Nam học được tiếng Nhật, lễ nghi, tính kỷ luật, tổ chức sắp xếp công việc để hoàn thiện hơn bản thân. Cả người Nhật và Việt đều có lý do để tìm hiểu về con người, văn hóa của quốc gia còn lại. Điều này giúp thúc đẩy ngoại giao nhân dân, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa ngày càng phát triển tốt và sâu sắc”.

Với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, nếu có cơ hội, Việt Nam có thể đàm phán lại chương trình theo hướng chỉnh sửa các nội dung chưa phù hợp sao cho khả năng đạt được mục tiêu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật cao hơn. Nếu không có cơ hội, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục thực hiện chương trình này nhưng ngầm hiểu với nhau rằng đây thật ra chỉ là chương trình hướng đến giải quyết thất nghiệp và cải thiện thu nhập người lao động, còn mục tiêu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật thì khả năng làm được rất thấp. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi đạt được mục tiêu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật trong những chương trình và cơ hội khác nữa. 

Khi bối cảnh kinh tế thế giới thay đổi với cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và sự phát triển “vũ bão” của trí tuệ nhân tạo đang gây áp lực để Nhật Bản, đất nước có năng lực nghiên cứu đổi mới sáng tạo rất mạnh, muốn dịch chuyển các doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của họ lên một vị trí mới cao hơn trong chuỗi giá trị sản phẩm. Khi dịch chuyển họ có thể sẽ để lại cơ hội thế vào vị trí cũ của mình cho một đất nước khác để kết nối với họ trong chuỗi liên kết. Cả hai nhu cầu vừa kể của Nhật Bản đều là cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước là đặc biệt và gần như duy nhất. Đây cũng sẽ là cái cớ để Việt Nam có thể tác động khiến Nhật Bản có động cơ muốn chuyển giao kỹ năng kỹ thuật.

Nếu đã quan tâm đến chuyển giao kỹ năng kỹ thuật thì phải xác định rằng số lượng thực tập sinh được tuyển chọn qua Nhật Bản để tiếp nhận kỹ năng kỹ thuật có thể không nhiều về mặt số lượng nhưng phải đáp ứng về mặt chất lượng. Lúc bấy giờ, tiêu chí đo lường chuyển giao kỹ năng kỹ thuật cần được thiết kế lại cho phù hợp, tránh việc chạy theo mục tiêu lợi nhuận và thành tích quá mức dẫn đến bỏ quên mục tiêu chiến lược quan trọng là nâng cao năng lực nguồn nhân lực.

Việt Nam phải biết rằng vấn đề chuyển giao kỹ năng kỹ thuật không thể được gói gọn trong khu vực nhà nước vì ở đây có cả những câu chuyện do thị trường quyết định. Thậm chí, vai trò của các doanh nghiệp phía Việt Nam và Nhật Bản mới là điều quan trọng hơn dù không xuất hiện trên giấy tờ thỏa thuận hoặc trong các cuộc đàm phán. Hiểu như vậy, Việt Nam cần xây dựng cơ chế kết nối giữa nhà nước và tư nhân cũng như áp dụng các chính sách thúc đẩy, theo dõi sự phát triển và tính tương thích trong kết nối giữa các thị trường, giữa các tổ chức Việt Nam và Nhật Bản.

Đâu là những giải pháp để thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực?

Ngay từ bây giờ, để thực sự chuyển đổi chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam cần thực hiện các nhóm giải pháp cụ thể và kiên trì theo đuổi chiến lược với tầm nhìn dài hạn để đạt được thành quả cuối cùng. Nhóm giải pháp cần làm trước tiên đó là thay đổi cách thức hoạt động và đặc điểm của hệ thống trong nước để chuẩn bị kỹ lưỡng cho cơ hội tiếp nhận chuyển giao kỹ năng kỹ thuật. Quan trọng nhất là quá trình cải cách hệ thống giáo dục trong nước, đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của nền kinh tế trong đó có cả nhu cầu được sang Nhật Bản học hỏi, tiếp nhận chuyển giao kỹ năng kỹ thuật bên cạnh việc học trong nước qua các hệ Đại học, Cao đẳng, Trung cấp và du học nước ngoài. Việc phân loại này phải đi kèm với việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học đáp ứng chương trình mà họ lựa chọn, thay đổi tư duy mang tính ý thức hệ là rào cản lớn của chuyển giao kỹ năng kỹ thuật.

Nhóm giải pháp thứ hai là việc tạo hệ sinh thái kinh doanh, thị trường phát triển tương xứng để thúc đẩy chuyển giao kỹ năng kỹ thuật trong đó các chính sách thúc đẩy quan hệ, sự kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt chú trọng trong những ngành thế mạnh và liên quan đến chiến lược quốc gia. Việt Nam cũng cần có chính sách hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam để tăng khả năng hấp thu của thị trường đối với người lao động quay trở về nước sau khi tiếp nhận chuyển giao kỹ năng kỹ thuật. Giải pháp này cũng giúp Việt Nam thu hút người giỏi, người tài và tránh bị “chảy máu chất xám”.

Giải pháp cuối cùng là những nỗ lực để thay đổi luật chơi trong đó một thỏa thuận cho việc thành lập các nội dung của chương trình thực tập kỹ năng với mục tiêu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật cần đi kèm với một mối quan hệ liên minh kinh tế hoặc một cam kết thương mại có lợi giữa hai nước để tăng động cơ và lợi ích của phía Nhật Bản hoặc các công ty tiếp nhận. Chẳng hạn, Việt Nam có thể giảm thuế cho các mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản để cung ứng như một loại sản phẩm đầu vào cho các công ty tiếp nhận có tham gia chương trình thực tập kỹ năng.

Bài viết liên quan