Bài Học Giáo Dục Cho Việt Nam Từ Chương Trình Thực Tập Kỹ Năng Tại Nhật Bản – Kỳ 5

Kỳ 5: Người Ở Lại Và Câu Chuyện Ý Thức Hệ

Gặp chị P giữa một khu chợ quê nghèo ở Tiền Giang với xấp vé số trên tay, khuôn mặt rám nắng và vóc dáng gầy gò, lầm lũi giữa dòng người xuôi ngược. Đôi mắt chị hơi rưng rưng khi nghe hỏi thăm cô con gái đi Nhật đã được hơn một năm. Đang vui vẻ nói chuyện với khách, giọng chị chợt chùng xuống như lạc hẳn giữa những âm thanh nhộn nhịp của cuộc sống thường nhật.

Giờ mỗi lần gọi điện qua cho nó tui chỉ dám hỏi thăm sức khỏe và cuộc sống chứ nào dám nhắc gì đến chuyện tiền bạc đâu. Tui gây nợ nần khiến con nhỏ phải bỏ đi làm ở nước ngoài kiếm tiền trả cho người ta là đã làm khổ nó lắm rồi, chỉ mong sau này nó quay về kiếm được một số tiền đủ để xây lại nhà cửa và lấy chồng có con như người ta.

Đa phần các thực tập sinh tham gia chương trình thực tập kỹ năng đến từ vùng nông thôn, đặc biệt là những vùng sâu vùng xa, nơi thu nhập thấp và vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn. Chị P trong câu chuyện trên chỉ là một trong rất nhiều trường hợp có con cái, người thân quyết định đi làm xa xứ để giải quyết bài toán tài chính ngặt nghèo của gia đình. Với xuất thân khác biệt, mỗi người mỗi cảnh nhưng hầu hết đều chẳng dám nghĩ gì đến ước mơ lớn hơn ngoài câu chuyện kiếm thêm thu nhập lo cho người thân.

Đặc điểm ý thức hệ nằm trong chính con người của các thực tập sinh

Với những quy định và điều kiện được thiết kế, chương trình hướng đến đối tượng mục tiêu sơ tuyển là người lao động có trình độ vừa phải, không quá cao, đa số sẽ xuất thân từ các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình thấp. Nhóm này thường có một suy nghĩ mặc nhiên là đi làm việc hay học tập thông qua làm việc thì cũng gọi là “xuất khẩu lao động” mà đã đi xuất khẩu lao động thì mục tiêu là để kiếm thu nhập cao nhằm có vốn về trang trải cuộc sống, lo cho gia đình, thoát khỏi gánh nặng cơm áo gạo tiền. Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt (Tâm Việt Group) cho thấy có tới 77% người lao động mong muốn đi Nhật để làm việc và kiếm tiền. Chỉ có 23% mong muốn đi để học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng. Điều đó cho thấy nhận thức của người lao động chỉ dừng lại ở những lợi ích trước mắt dễ nhận biết.

Đặc điểm tổng mẫu khảo sát cho thấy những người trẻ tuổi tham gia chương trình đa phần là nhóm thuộc gen Z với tuổi đời còn rất trẻ, nhóm này lớn lên cùng sự phát triển của kinh tế và hội nhập đất nước cho nên có được nhiều điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng lao động quốc tế. Tuy nhiên, vì trình độ chưa cao, kinh nghiệm sống và tri thức chưa tích lũy đủ lớn, hơn hết các bạn trẻ này vừa mới bước ra từ văn hóa nông thôn nghèo khổ nên họ có khao khát kiếm tiền để thay đổi cuộc sống hơn là học hỏi kỹ năng kỹ thuật.

Bạn N.H.M, một thực tập sinh đến từ Vĩnh Long đã về nước sau khi hoàn thành chương trình, hồn nhiên chia sẻ: “Em đã phải qua trung gian đến 2 lần. Lần thứ nhất, là một người quen cùng xóm kể cho em nghe đi Nhật làm việc kiếm được nhiều tiền mà chế độ, cuộc sống tốt lắm. Anh ấy bảo đưa anh ấy 5 triệu, ảnh sẽ sắp xếp cho em đi được. Sau đó anh dắt em đến một “công ty nguồn” ở Vĩnh Long. Lên đó họ cho em học, rồi bảo đóng phí và tiền hồ sơ thêm gần 15 triệu, sắp tới có đợt PV lên TP HCM chắc chắn đậu. Đến mãi sau em mới biết là nếu em có thông tin em chỉ cần đến trực tiếp công ty phái cử ở TP HCM em sẽ không phải mất những khoản phí kia”.

Một người trẻ khi lớn lên ngoài những điều họ học hỏi được từ trường lớp và xã hội thì nền tảng quan trọng quyết định tư duy, thái độ và cách hành xử của họ phần nhiều đến từ những ảnh hưởng của người thân trong gia đình, đặc biệt là ông bà, cha mẹ. Xuất thân nông thôn nghèo khó khiến các bạn trẻ luôn canh cánh trong lòng mối lo kinh tế và khao khát làm thế nào để kiếm được thu nhập cao, tích lũy nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất nhằm mau chóng quay về quê hương lo cho gia đình.

Sẽ không công bằng nếu chỉ đặt lên vai người trẻ trách nhiệm chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho đất nước khi bản thân họ vẫn còn phải giải quyết những khó khăn kinh tế xã hội từ thế hệ trước trao lại và vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những tư duy của ông bà, cha mẹ, những người sinh ra và lớn lên trong giai đoạn chiến tranh, nghèo khổ của đất nước nên chỉ dám nghĩ đến mục tiêu thoát nghèo hơn là sự chuyển giao kỹ năng kỹ thuật phục vụ cho một thời kỳ phát triển mới.

Người ở lại nghĩ gì và tác động như thế nào đến người ra đi?

Trong khi đó, ý thức hệ của đa phần người Việt Nam mang tâm lý “sính ngoại”, người đi nước ngoài về luôn được đánh giá cao hơn mà không quan tâm họ đã làm gì ở “xứ người”. Tâm lý đó khiến người lao động dễ dãi tham gia chương trình mà ít tìm hiểu kỹ nội dung và cũng không quan tâm nhiều đến mục tiêu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật. 

Bạn H.H.L, một thực tập sinh đã về nước, thiệt thà tâm sự: “Quê em ở Quảng Bình, nhà đông người, lại là chị cả nên em được chị họ dắt vào TP HCM để xin đi Nhật làm việc. Qua Nhật công việc của em chính là dán mác chai rượu vang, bốc xếp hàng. So với mức lương ở VN thì tương đối tốt, hàng tháng sau khi chi tiêu các khoản chi cần thiết như ăn uống, nhà ở, sinh hoạt em vẫn dư hơn 20 triệu để dành, chưa kể có những tháng cao điểm được tăng ca rất nhiều. Nay em về nước, về lại quê xây nhà mới cho bố mẹ sau đó kiếm một công ty gần nhà để làm”.

Bên cạnh đó, văn hóa làng xã xưa nay có tính phong trào, so sánh vật chất dẫn đến hiện tượng một người trẻ Việt Nam chịu tác động tâm lý rất nhiều từ xung quanh bao gồm cả người thân, bạn bè, hàng xóm, … Họ có xu hướng hành động theo lời nói của cộng đồng và chạy theo trào lưu. đặc biệt, ở khía cạnh người thân là bố mẹ, ông bà. Điều này đã thành thói quen đi vào ý thức, tư duy khiến các lao động trẻ chỉ quan tâm đến những gì nhìn thấy trước mắt như thu nhập, chế độ, … mà quên mất một mục tiêu cũng quan trọng không kém đó là học tập, nâng cao năng lực bản thân.

Bạn N.N.N, thực tập sinh đến từ Long An đã về nước, tỏ ra cay đắng khi nghĩ đến thái độ của người thân: “Sau khi tham gia chương trình 3 năm, em về quê được gia đình và họ hàng mở tiệc chào mừng rất hoành tráng, tuy nhiên không ai hỏi về công việc hay em đã học được gì, những khó khan vất vả em đã trải qua mà đều nhận được câu hỏi về lương có cao không, để dành được bao nhiêu tiền”.

Ý thức hệ trong chính các doanh nghiệp thực hiện chương trình

Ý thức hệ của khối doanh nghiệp tư nhân cũng có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chuyển giao kỹ năng kỹ thuật của chương trình. Do Việt Nam vừa bước ra khỏi chiến tranh, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN bắt đầu xây dựng từ sau đổi mới đến nay chưa được 40 năm, bộ máy quản lý công và thể chế chưa vững mạnh, trong khi đó có đến hơn 95% doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, ý thức hệ bị ảnh hưởng từ việc họ có ít tham vọng và không muốn lớn mạnh, đa số không hướng đến mục tiêu chiến lược dài hạn, mục tiêu chung của quốc gia và không quan tâm đến chuyển giao kỹ năng kỹ thuật mà chỉ quan tâm đến số lượng và nguồn thu nhập về cho doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp không có động cơ để góp phần thúc đẩy việc chuyển giao kỹ năng kỹ thuật đối với thực tập sinh.

Ông N.N.L, Giám đốc công ty phái cử H chia sẻ tầm nhìn trong lĩnh vực đưa người lao động sang Nhật Bản làm việc như sau: “Tôi có duyên để gắn với nghề này, tuy nhiên tôi nghĩ về lâu dài để phát triển trong mảng đưa các bạn đi Nhật làm việc không phải là định hướng của tôi. Hơn 10 năm trong nghề, tôi nghĩ rất khó để có thể chuyển giao kỹ năng kỹ thuật thông qua chương trình này và đối với công ty nhỏ như công ty tôi, nên làm được đến đâu hay đến đó. Có chút vốn tôi sẽ phát triển qua các mảng khác ổn định hơn”.

Đối với phía Nhật Bản, việc chuyển giao kỹ năng kỹ thuật vẫn đang nằm trên giấy. Người lao động Việt sang Nhật đa phần vẫn đang là lao động chân tay, làm việc máy móc, bù đắp những khoảng thiếu hụt của doanh nghiệp Nhật. Đúng với văn hóa “bên trong và bên ngoài” của người Nhật, ý thức hệ trong cách ứng xử của họ, ngầm hiểu là sự trao đổi, mua bán sức lao động, còn mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhập cư chỉ diễn ra theo kiểu tự nhiên, không có nhiều chủ ý tác động từ doanh nghiệp Nhật.

Có thể thấy ý thức hệ về tầm nhìn ngắn hạn trước mắt đã trở thành quán tính ăn sâu vào cá nhân và tổ chức ở Việt Nam, đa phần đều chỉ suy nghĩ về lợi ích kinh tế trước mắt mà không có tầm nhìn chiến lược dài hạn cho tương lai. Rào cản này chi phối mọi suy nghĩ và hành động của những bên liên quan khiến cho việc chuyển giao kỹ năng kỹ thuật trở nên khó khăn.

Tham khảo thêm